Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với giày hoặc ủng cách điện

Kể từ ngày 28/06/2014, Thông tư số 39/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bắt đầu có hiệu lực.

Quy chuẩn này đưa ra các quy định kỹ thuật và phương pháp thử đối với giày cách điện hoặc ủng cách điện dùng để làm việc với hoặc gần trang thiết bị điện có điện áp không quá 1000V xoay chiều. Giày hoặc ủng này khi được sử dụng kết hợp với các trang thiết bị bảo vệ khác như găng tay hay lớp lót sẽ ngăn không cho dòng điện nguy hiểm chạy qua cơ thể người thông qua bàn chân.

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng ủng cách điện hoặc giày cách điện cùng với các tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Mẫu sản phẩm ủng cách điện (Ảnh minh họa)

Theo quy định kỹ thuật của Quy chuẩn, giày cách điện hoặc ủng cách điện phải thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật được quy định trong tiêu chuẩn BS EN 50321:2000 Giày cách điện dùng trong môi trường là việc với điện áp thấp. Ủng hoặc giày cách điện sản xuất trong nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có gắn dấu hợp quy, ghi nhãn theo quy định tại mục 5.3 của tiêu chuẩn BS EN 50321:2000.

Đối với ủng hoặc giày cách điện nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định của Quy chuẩn (mục 2 của Quy chuẩn). Trong trường hợp các ủng hoặc giày cách điện nhập khẩu đến từ các quốc gia có thỏa thuận song phương, đa phương giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu thì sẽ miễn kiểm tra nhập khẩu ủng hoặc giày cách điện này.

Chi tiết Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với giày hoặc ủng cách điện tải tại đây.