Tại sao khối ngoại không còn mặn mà với cổ phiếu MWG của Thế giới Di động?

Những diễn biến gần đây cho thấy khẩu vị của khối ngoại đối với mã cổ phiếu MWG của Thế giới Di động đã thay đổi đáng kể trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của hãng bán lẻ hàng đầu Việt Nam kém tích cực.

Vì đâu khối ngoại không còn mặn mà với cổ phiếu MWG?

Cuộc chiến về giá
Cuộc chiến về giá khốc liệt giữa các nhà bán lẻ ICT khiến biên lợi nhuận của Thế giới Di động rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động là mã cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây với giá trị bán ròng khoảng 1.900 tỷ đồng.

Đồng thời, cổ phiếu MWG còn ghi nhận tình trạng “hở room khối ngoại” diễn ra thường xuyên, kéo dài nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động đã giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% xuống còn 45,8% vào cuối tuần này. Đây cũng là mức độ “hở room khối ngoại” cao bất thường đối với hãng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Trong quá khứ, cổ phiếu MWG từng là mã cổ phiếu được ưu ái hàng đầu đối với khối ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động thường xuyên ở mức tối đa 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động phát hành ESOP, nhưng đều được nhanh chóng lấp đầy ngay sau đó.

Nhà đầu tư nước ngoài nhiều khi phải trả mức giá chênh lệch (premium) lên đến 40% so với thị giá của cổ phiếu MWG để chen chân vào Thế giới Di động. Đây cũng là mức premium cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, khẩu vị của khối ngoại đã thay đổi rõ rệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động suy giảm mạnh trong năm nay.

Kết quả kinh doanh Thế giới Di động
Kết quả kinh doanh của Thế giới Di động trong quý 3/2023 và trong 9 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: FiinproX, TPS)

Luỹ kế 9 tháng đầu năm vừa qua, hãng bán lẻ này ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 86.858 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 471 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Thế giới Di động mới hoàn thành 64,3% mục tiêu doanh thu và “vỏn vẹn” 1,8% mục tiêu lợi nhuận của cả năm nay. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm nay, Thế giới Di động chỉ thoát lỗ nhờ khoản lãi tiền gửi ngân hàng tăng mạnh.

Về tình hình hoạt động chuỗi cửa hàng, tính đến hết tháng 9/2023, số lượng cửa hàng thuộc hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt 3.352 cửa hàng, giảm 22 cửa hàng so với cuối năm 2022; số lượng cửa hàng Bách Hoá Xanh cũng giảm 22 cửa hàng, còn 1.706 cửa hàng.

Thế Giới Di Động cũng đóng cửa 11 cửa hàng AvaSport và toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại Campuchia trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc An Khang lại được mở mới thêm 40 cửa hàng so với hồi đầu năm nay, tăng số cửa hàng đang hoạt động lên mức 540.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của Thế Giới Di Động là công ty đang cải thiện đươc thị phần phân phối các sản phẩm ICT trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành. Cùng với đó là doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh liên tục được cải thiện, đạt 1,6 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tiến gần sát đến mức hoà vốn.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính nhận định chiến lược cạnh tranh về giá dường như vẫn chưa kết thúc khiến triển vọng lợi nhuận cả năm 2023 của Thế giới Di động kém khả quan.

Quỹ lớn dần thoái vốn khỏi Thế giới Di động

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MWG đã giảm sàn ngay sau khi kết quả báo cáo tài chính quý 3/2023 được công bố vào ngày 31/10/2023. Sang ngày 01/01/2023, áp lực bán tháo khiến giá cổ phiếu MWG tiếp tục giảm sàn ngày thứ hai liên tiếp.

Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Tiên Phong Securities (TPS), ở mức giá đóng cửa ngày 1/11/2023, cổ phiếu MWG đang giao dịch ở mức P/E và P/B tương ứng là 73,75 lần và 2,21 lần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm lần lượt là 20,64 lần và 3,86 lần.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số P/E và P/B của cổ phiếu MWG lần lượt là 82,7 lần và 2,5 lần.

Diễn biến PE PB của Thé giới Di động
(Nguồn: TPS)

Các chuyên gia phân tích của TPS lưu ý, theo phương pháp của rổ chỉ số VN-Diamond Index, cổ phiếu có tỷ lệ P/E TTM (trailing 12 months) vượt quá 3 lần P/E trung bình của các cổ phiếu thỏa mãn điều kiện sẽ bị loại khỏi chỉ số. Do vậy, cổ phiếu MWG có khả năng vi phạm điều kiện về P/E nếu như lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động không có sự đột phá trong quý còn lại của năm.

Nếu bị loại, các quỹ ETF đang tham chiếu theo chỉ số VN-Diamond Index sẽ bán ra khoảng 60 triệu cổ phiếu MWG trong kỳ đánh giá vào tháng 4/2024 và có thể ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến giá.

Giá cổ phiếu MWG Thế giới Di động
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MWG của Thế giới Di động từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Lợi nhuận của Thế giới Di động (MWG) liệu đã tạo đáy?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong thời gian qua, tình trạng “hở room ngoại” của Thế giới Di động phần lớn được kích hoạt từ việc các quỹ ngoại lớn liên tục bán ra. Điển hình, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn và không có tư duy lướt sóng cổ phiếu MWG.

Tuy nhiên sau khoảng 3 năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại MWG với lý do “tái cơ cấu đầu tư”. Tại ngày 28/8/2023, quỹ này chỉ còn 63,2 triệu cổ phiếu MWG và không còn là cổ đông lớn tại Thế giới Di động.

Nhóm quỹ Dragon Capital cũng thông báo bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu MWG trong ngày 01/11/2023, giảm sở hữu của nhóm xuống còn 101 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 6,9% vốn điều lệ Thế giới Di động.

Duy Quang