Thừa Thiên - Huế kích cầu tiêu dùng nội địa

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chính sách phát triển thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Từ chính sách…

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến hết tháng 10.2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.671 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.415,7 tỉ đồng, chiếm 73%, tăng 13,7%.

Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng nội địa, là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

Trong những năm qua, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, ngoài những chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP,…

thua thien - hue hang viet
Hàng Việt đã khiến người Việt mê mẩn

UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh hàng Việt. Cụ thể gồm: Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 44/2021/QĐ-UBND ban hành quy chế xây dựng và quản lý, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quyết định số 06/QĐ-UBND phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2022, Kế hoạch số 64/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hỗ trợ các đề án gồm các nội dụng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất sản phẩm mới.

thua thien - hue yeu hang viet
Ngọt ngào, thơm phức là bánh kẹo xứ Huế

Đối với chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Đề án phát triển thị trường trong nước, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt rồi điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 hàng năm, chương trình phát động Tháng bán hàng khuyến mãi tập trung hàng năm,...

Đến hành động

Trong năm 2023, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ diễn ra từ ngày 15/6 - 17/6/2023 theo Đề án cấp Bộ, diễn ra cùng thời điểm Hội nghị giao ban khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại Hội nghị đã có nhiều biên bản ghi nhớ, biên bản cam kết kết nối, sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh được các nhà phân phối đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã.

Không thể không kể đến là những thành công của Hội chợ thương mại diễn ra từ ngày 5/4 - 08/4/2023 tại Hà Nội mà Tỉnh đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm hạt sen, trà sen, các thành phẩm sen Huế, bánh ép, bánh in Huế, mứt thanh trà, mứt gừng sấy lạnh, các loại kẹo, mè xửng, sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu các loại, nhạc cụ mỹ nghệ, chè Truồi,... Ngay tại thành phố Huế cũng đã diễn ra Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm Thanh Trà, đặc sản, OCOP, thủ công mỹ nghệ của tỉnh tại thành phố Huế, qua đó đã giới thiệu 20 gian hàng với 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh đến từ các huyện, thị xã và thành phố Huế. Với 3 ngày diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đã thu hút trên 3.000 lượt khách, doanh số bán hàng của các đơn vị đạt trên 100 triệu đồng…

thua thien  - hue dep
Hoa quả nội địa được yêu chuộng hơn hoa quả nhập khẩu

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ủy quyền Sở Công Thương tổ chức các đoàn tham gia các Hội chợ giao thương kết nối tại Đà Nẵng, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia…

Thừa Thiên - Huế cũng đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xem đây là một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tính đến tháng 10/2023, Sở đã tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà và xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.

thua thien - hue cho dong ba
Chợ Đông Ba khi mình qua...

Đối với nhiệm vụ xây dựng thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam, UBND tỉnh cũng đã giao các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm tại Cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm và 1 Điểm bán hàng Việt tại cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Thiên Hương, hỗ trợ xây dựng 1 Trung tâm và 3 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Quảng Điền. Trong năm 2023, Sở đã hỗ trợ xây dựng 1 Điểm bán hàng Việt tại UBND thị xã Hương Trà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung xúc tiến thương mại. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tứ Thủy