Biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế: Ai mừng, ai lo?

Sự tăng giá của đồng Đôla Mỹ ngược chiều với sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ sẽ đẩy các Ngân hàng trung ương châu Á tới những quyết định trái chiều...

Hàng loạt đồng tiền châu Á giảm giá so với Đôla Mỹ

Theo dõi thị trường tiền tệ quốc tế có thể thấy kể từ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, đồng USD đã nhích tăng qua các phiên. Từ sau khi ông Donald Trump chính thức đắc cử Tổng thống, đồng Đôla Mỹ liên tục tăng giá cho đến gần các phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2016.

Theo dự đoán của các nhà kinh doanh tiền tệ, xác suất Fed sẽ tăng lãi suất đã tăng từ 68% vào đầu tháng 11/2016 lên 100% vào cuối tháng. Kỳ vọng về điều này đã khiến đồng Đôla Mỹ có một tháng tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Đồng tiền này đã tăng tổng cộng hơn 7% trong tháng này với kỳ vọng tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ theo đuổi các chính sách phục hồi giá trị đồng Đôla Mỹ trên thị trường quốc tế. Hàng loạt các tín hiệu tốt về kinh tế Mỹ trong vài tuần gần đây cũng góp phần vào đợt tăng giá mạnh của đồng tiền này trong một tháng trở lại đây.

Chỉ trong vòng 20 ngày, từ ngày 9/11 đến 29/11/2016, các đồng tiền châu Á đã giảm khoảng gần 2%-gần 6% so với Đôla Mỹ. Hình dưới đây cho thấy Yên Nhật đã giảm giá gần 6% so với Đôla Mỹ, tiếp theo là Ringgit Malaysia giảm gần 5,5%.

Đến ngày 29/11/2016, đồng Đôla Mỹ quay đầu giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác nhưng chủ yếu là do giới đầu tư tiếp tục chốt lời. Nhưng Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý 3/2016 ở mức cao là 3,2% so với cùng kỳ và Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm tăng lãi suất nên nhiều khả năng đồng đồng Đôla Mỹ sẽ tăng giá trở lại.

Mừng - Lo trước sự tăng giá của Đôla Mỹ

Sau một thời gian vật lộn tìm cách giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và đối phó với giảm phát, Ngân hàng Trung ương (NHTW) nhiều nước phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Australia cuối cùng lại nhận được sự “hỗ trợ” từ phía Mỹ để đạt được mục tiêu của họ. Bởi khi đồng Đôla Mỹ tăng giá, các đồng tiền khác sẽ giảm giá tương ứng, tạo thêm cơ hội xuất khẩu và công ăn việc làm cho các nước phía bên kia Thái Bình Dương. Trong khi đó, đối với các thị trường mới nổi như Malaysia và Indonesia, đồng nội tệ giảm giá so với Đôla Mỹ có thể làm căng thẳng hơn sự mất cân đối trong nền kinh tế, như nợ phải trả nước ngoài gia tăng và đẩy áp lực tăng giá hàng hóa nhập khẩu lên người tiêu dùng.

Các ngân hàng trung ương châu Á có thể được tạm chia thành hai nhóm phản ứng với sự tăng giá của đồng Đôla Mỹ, trong đó nhóm vui mừng chiếm số đông, bởi họ cần đồng nội tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu.

Sự thay đổi tỷ giá các đồng tiền châu Á so với Đôla Mỹ trong 20 ngày (từ 9/11-29/11/2016)

Nguồn: Bloomberg

Nhân dân tệ giảm: Cơ hội hay thách thức

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc yếu hơn có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng sẽ đẩy Trung Quốc đến với rủi ro lớn là sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi thị trường đã từng rất hấp dẫn này. Tính đến giữa tháng 11/2016, đã có khoảng 44,7 tỷ Đôla Mỹ (USD) đã được rút khỏi thị trường Trung Quốc thông qua các giao dịch bằng đồng NDT, trong khi dự trữ ngoại tệ của quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay. (Tháng 10/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 45,7 tỷ USD, còn 3.121 tỷ USD, thấp nhất từ năm 2011). Từ đầu năm, NDT đã mất giá gần 6% so với USD. Sau khi NDT rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, NHTW Trung Quốc đã phải chấn an dư luận rằng dự trữ ngoại hối hùng mạnh của nước này, dù đang giảm, nhưng vẫn đủ để ngăn chặn đà mất giá của NDT và đồng tiền vẫn mạnh so với các đồng tiền của các nước khác trong khu vực, và vốn sẽ chảy lại Trung Quốc khi nền kinh tế hồi phục và môi trường kinh doanh cải thiện.

Tuy nhiên, thị trường vẫn quan ngại sự tháo chạy dòng tiền khỏi Trung Quốc cũng đồng nghĩa với quốc gia này sẽ đối mặt thêm với những khó khăn về suy thoái kinh tế, giảm việc làm, thị trường kém hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia và các nhà giao dịch cho rằng nếu đồng NDT giảm giá quá mạnh so với đồng USD, thị trường có thể sẽ lại rơi vào trạng thái hoảng loạn như hồi tháng 8/2015 và tháng 1/2016. Ở khía cạnh thương mại, sức ảnh hưởng của quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ khiến nhiều nước xuất khẩu vào Trung Quốc phải lo lắng.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát dòng chảy của vốn ra nước ngoài

Để ngăn NDT giảm quá nhanh so với USD, Trung Quốc đã bán bớt dự trữ ngoại hối, can thiệp vào dự báo trên thị trường và hạn chế tiền chảy vào chứng khoán nước ngoài. Tuy nhiên, với giá trị đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 530,9 tỷ USD, vượt kỷ lục cả năm 2015, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước mua công ty nước ngoài nhiều nhất thế giới. Do đó, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã bắt đầu kiểm soát các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trị giá từ 5 triệu USD trở lên. Sự thắt chặt kiểm soát cũng được áp dụng với các thương vụ quốc tế lớn, kể cả những thương vụ đã được chấp thuận từ trước.

Việt Nam: Theo sát và linh hoạt

Tại Việt Nam, tháng cuối năm có thể coi là giai đoạn chạy nước rút của xuất khẩu đồng thời cũng là tháng mà nhu cầu Đôla Mỹ để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu tăng theo chu kỳ. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thanh khoản Đôla Mỹ không căng thẳng như mọi năm nhờ dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt tới 40 tỷ USD và xuất khẩu tổng thể vẫn thặng dư mặc dù hai tháng 10, 11 đã nhập siêu thay vì xuất siêu như các tháng trước đó. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ được giữ ổn định để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế là từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường.

Về lý thuyết, đồng NDT giảm giá so với Đôla Mỹ nhanh hơn Việt Nam đồng (VNĐ) có thể là bất lợi đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn cao điểm từ nay đến tết Nguyên đán, đồng thời mở đường cho dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, dòng thương mại thực tế và thiệt - lợi của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sẽ chịu tác động bởi tỷ lệ các giao dịch hàng hóa được thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT và phương án chi trả cho khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc từ nguồn dự trữ ngoại hối bằng Đôla Mỹ.


Đinh Linh