Bộ Công Thương công bố 170 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mới đây đã cập nhật Danh sách thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 18/10/2023.
Đến ngày 18/10/2023, có 170 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Đến ngày 18/10/2023, có 170 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Danh sách bao gồm 170 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, tập trung tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng thương nhân đủ điều kiện với 37 thương nhân, theo sau là TP. Cần Thơ (35 thương nhân), tỉnh Long An (22 thương nhân), tỉnh An Giang (16 thương nhân), tỉnh Đồng Tháp (14 thương nhân), TP. Hà Nội (10 thương nhân). Số còn lại rải rác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Danh sách 170 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 18/10/2023 xem tại đây.

Số liệu của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, trong tháng 9/2023 cả nước xuất khẩu 605.410 tấn gạo, tương đương 377,78 triệu USD, giá trung bình 624 USD/tấn.

Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6,42 triệu tấn, tương đương gần 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về khối lượng, tăng 35,9% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 551,5 USD/tấn, tăng 13,7%.

Theo Tổng cục Hải quan, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Lượng gạo xuất sang hai thị trường này chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 4,68 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu ngày 20/10 tiếp tục tăng nhẹ 5% so với ngày 19/10: giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn; giá gạo 25% tấm xuất khẩu đạt 628 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm lần lượt 3% và 4% với từng loại, về mức 570 USD/tấn và 524 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Pakistan thấp hơn, ở mức 563 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Tại thị trường nội địa, giá lúa tiếp tục tăng 125-193 đồng/kg trong tuần 12/10-19/10, đạt giá bình quân 8.321 đồng/kg tại ruộng và 9.475 đồng/kg tại kho. Giá bình quân từng loại gạo cũng tăng mạnh so với tuần trước đó, cao nhất là gạo lứt loại 1 tăng 604 đồng/kg, giá 13.238 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 tăng 575 đồng/kg, giá 15.288 đồng/kg; gạo 5% tấm tăng 493 đồng/kg, giá 15.129 đồng/kg; gạo 15% tấm tăng 433 đồng/kg, giá 14.858 đồng/kg; gạo 25% tấm tăng 383 đồng/kg, giá 14.533 đồng/kg; tấm 1/2 tăng 257 đồng/kg, giá 11.479 đồng/kg; cám xát/lau tăng 171 đồng/kg, giá 7.114 đồng/kg.

Tại cuộc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC tại thành phố Riadh, Saudi Arabia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr đã nhất trí giao các bộ, ngành liên quan của hai nước thúc đẩy việc ký kết Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác thương mại gạo nhằm nâng cao thế chủ động của Việt Nam và Philippines trong việc sản xuất và xuất nhập khẩu gạo.

Philippines hiện là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt trên 2,44 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,29 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 12,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Quốc gia này chiếm 38% về lượng và chiếm 36,5% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Phương Chi