Chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới

Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 5/12/2023, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã tham luận với chủ đề Chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới.
Sản phẩm OCOP
 Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tham luận tại Hội nghị

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Tính đến hết tháng 10 năm 2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. 

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Sản phẩm OCOP
Đặc sản cá kho làng Vũ Đại - sản phẩm OCOP thu hút người tiêu dùng

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh phân phối trong nước với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Đặc biệt trong thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, Vụ Thị trường trong nước nhận thấy việc xây dựng và phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng. 

Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả.

Thứ nhất là về công tác truyền thông, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thông qua các đơn vị truyền thông của Bộ (Tạp chí Công Thương, Báo Công Thương, Truyền hình Công Thương, Trung Tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại,), các đơn vị truyền thông ngoài Bộ (VTV, Thông tấn xã Việt Nam), công tác truyền thông được thực hiện trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng như tivi, báo, đài, các website, các diễn dàn… dưới nhiều hình thức từ online và offline góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Cùng với đó, việc tuyên truyền, quảng bá, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…

Sản phẩm OCOP
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày và giới thiệu trong khuôn khổ chương trình

Thứ hai là xây dựng hệ thống phân phối, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền, ví dụ như Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”, Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty TNHH VinaGap Việt Nam (chuỗi cửa hàng Bác Tôm),… đại diện các hãng hàng không lớn (Vietnam Airlines, VietJet Air), các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPP và các doanh nghiệp thành viên), trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc (Trạm dịch vụ V52,  Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh), đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, du lịch, điểm văn hóa, trạm dừng nghỉ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 và Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023) là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 04 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)…

Bước đầu, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Trong thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại hệ thống Saigon Co.op…

Tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, tại các khu vực bán hàng tại các sân bay, khu du lịch đã có các khu vực, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho địa phương. Đồng thời, các sản phẩm OCOP đã bước đầu được đưa lên trên các kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, trên nền tảng TikTok…

Sản phẩm OCOP
Trà Thái Nguyên nức tiếng thơm ngon

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và họ đều mong muốn được tiếp xúc với các kênh bán lẻ hiện đại hơn, cao cấp hơn, đảm bảo chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn. Đứng trước sức ép mãnh liệt đó, hệ thống phân phối cũng theo đà tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ đang dần thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng và trở thành xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Theo Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 cho thấy, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%.

Cùng với đó, một trong những cách thức hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm OCOP là gắn với các nội dung xoay quanh những chủ đề top trending, đặc biệt là gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa.

Trước tình hình mới, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, đặc vùng miền, sản phẩm OCOP đã bắt kịp xu thế, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, bán hàng trên nền tảng TikTok… và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn chung việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.

Ngọc Châm