Cơ hội và thách thức phát triển du lịch bền vững trong liên kết tiểu vùng châu thổ sông Mekong

Đề tài Cơ hội và thách thức phát triển du lịch bền vững trong liên kết tiểu vùng châu thổ sông Mekong do ThS. Lê Thị Mỹ Hạnh - ThS. Phùng Vũ Bảo Ngọc (Khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính – Marketing) thực hiện.

TÓM TẮT:

Liên kết tiểu vùng sông Mekong mang lại nhiều cơ hội phát triển tự nhiên cho ngành Du lịch và nhận được những kích thích quy hoạch trọng điểm cấp quốc gia. Tuy nhiên, tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu và hoạt động chung của lưu vực sông Mekong đang thách thức ngành Du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Vì vậy, bài viết phân tích những cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch bền vững trong liên kết tiểu vùng châu thổ sông Mekong, từ đó đưa ra các giải pháp phối hợp từ người dân, chính quyền đến doanh nghiệp, các nhà tổ chức quản lý điểm đến, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ khóa: du lịch, bền vững, đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng châu thổ sông Mekong, biến đổi khí hậu, tổ chức và quản lý điểm đến.

1. Đặt vấn đề

Ba hợp phần chính của du lịch bền vững bao gồm: thân thiện môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa và có đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng. Vì vậy, yếu tố du lịch xanh, thân thiện với môi trường - được coi là chìa khóa để mở cửa cho phát triển du lịch bền vững. Gắn kết địa lý với tiểu vùng sông Mekong ở Nam bộ là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trung tâm sản xuất lương thực lớn nhất cả nước. Vùng đồng bằng này đang đối phó với hiện tượng El Nino gây hạn hán và nắng nóng diện rộng, cùng sự dâng cao của mực nước biển đang làm thay đổi hệ sinh thái, tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế, văn hóa xã hội và sinh kế của người dân địa phương.

Muốn phát triển du lịch bền vững, Việt Nam cần học hỏi các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore, Đan Mạch,… nhờ đã đưa ra được thông điệp cảnh báo tác hại của biến đổi khí hậu. Những chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường cực kỳ quyết liệt không chỉ đứng trên lợi ích cá nhân của quốc gia, mà còn có quan hệ mật thiết đến khu vực. Liên kết tiểu vùng sông Mekong gồm các thành viên LàoThái LanCampuchia và Việt Nam, còn Myanmar và Trung Quốc là 2 đối tác. ĐBSCL cần có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và các chính sách nhất quán với các bên tham gia tiểu vùng sông Mekong để phát huy được các giá trị du lịch tiềm năng, bảo tồn văn hóa, môi trường và phát triển kinh tế địa phương theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

2. Khái niệm du lịch bền vững

Du lịch bền vững là khái niệm mới, mang tính thời sự và toàn cầu hóa, được phát triển qua quá trình khai thác tài nguyên du lịch. Đây cũng là biện pháp căn bản giúp giải quyết vấn đề quá tải du lịch (over-tourism), dẫn đến suy giảm đáp ứng và cạn kiệt tài nguyên điểm đến. Tính bền vững (Sustainability) mô tả sự tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, bao gồm 3 trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Phát triển du lịch bền vững là bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. (Điều 3, Luật Du lịch Việt Nam, 2017).

Daniela Dumbraveanu, (2004) - trong bài viết Nguyên tắc và thực hành kế hoạch du lịch bền vững (Principles and practice of sustainable tourism planning), đã tập trung phân tích các quan điểm về phát triển du lịch bền vững, với 6 nhóm nguyên tắc của du lịch bền vững được đề xuất, bao gồm: giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng địa phương và văn hóa truyền thống; tối đa hóa lợi ích kinh tế của cư dân địa phương; giáo dục nhận thức để cải thiện thái độ đối với môi trường; và phát huy vai trò cộng đồng địa phương đối với các hoạt động du lịch.

3. Đặc điểm đồng bằng sông Cửu Long trong liên kết tiểu vùng sông Mekong

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 40.000km², là đồng bằng lớn nhất sản xuất lúa gạo chủ yếu ở Việt Nam, nổi tiếng Đông Nam Á. Phân khu hành chính ĐBSCL gồm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh miền Tây.

Ủy hội sông Mekong là một cơ quan liên chính phủ có nhiệm vụ "thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng".

ĐBSCL có nhân khẩu đông nhất Việt Nam với tổng dân số là 17.744.947 người (2022). Cư dân chủ yếu là người Việtngười bản địa gốc Khmer, người Kinh gốc Hoa ở. Sinh kế người dân phần đông làm nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL cao (năm 2017 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước). Chỉ riêng lúa đã chiếm 54% diện tích và đạt 58% tổng sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ ĐBSCL chiếm 93% sản lượng xuất khẩu gạo cả nước. Ngoài ra, các vùng đầu tư nuôi trồng thủy sản chiếm 77% diện tích cả nước, đạt mức 40% tổng sản lượng và chiếm 60% tổng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đứng về phương diện thu nhập ĐBSCL vẫn còn thấp hơn cả nước.

4. Thực trạng phát triển du lịch tại ĐBSCL

Sản phẩm du lịch ĐBSCL và tiềm năng phát triển trong giai đoạn hiện nay thu hút dư luận quốc tế. Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, sự phong phú về bản sắc văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên và đa dạng sinh học là một lợi thế độc đáo để Việt Nam phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên.

Du lịch ĐBSCL đã cơ bản phục hồi vào cuối năm 2022, đúng như mục tiêu 13 tỉnh, thành trong vùng đã ký kết với nhau. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tính đến cuối năm 2022, tổng số lượt khách đến ĐBSCL đạt hơn 37,5 triệu, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch của vùng năm qua đạt trên 32.078,7 tỷ đồng. Khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid-19, với tiêu chí “mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc”, UBND các tỉnh, thành phố đã kết nối doanh nghiệp lữ hành để chung tay xây dựng các tour liên tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL phù hợp thị hiếu du khách.

5. Cơ hội và thách thức trong liên kết tiểu vùng sông Mekong phát triển du lịch bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long

5.1. Cơ hội cho phát triển bền vững vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long

Lợi thế tự nhiên của ĐBSCL khi lũ về là lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát phù sa và giống thủy sản tự nhiên, biên độ lưu lượng dao động cao có lợi cho canh tác lúa nước. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mekong là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap tại Campuchia - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển các ngành Công - Nông nghiệp, bên cạnh phát triển thương mại dịch vụ và du lịch với các nét chính sau:

+ Về du lịch: Phát triển ĐBSCL với 2 trung tâm du lịch Cần Thơ và Phú Quốc về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch biển. Khuyến khích đào tạo nghề dịch vụ du lịch, chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn. Đầu tư xây hạ tầng, hệ thống cảng du lịch, phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; hành lang đường biển và đường sông dọc sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap.

+ Về dịch vụ: Tập trung đẩy mạnh dịch vụ logistic, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, revăn hóa - thể thao, công nghệ thông tin tại các trung tâm đô thị loại I, loại II; Phát triển kinh tế biển gắn liền bảo vệ sinh thái rừng ngập mặn, thích ứng với biến khí hậu, nước biển dâng; Phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia; Phú Quốc, thành trung tâm du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Chuyển đổi các khu vực ngập mặn và mô hình kinh tế giá trị thấp sang nuôi trồng thủy sản; Phát triển khai thác, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.

5.2. Khó khăn và thách thức

5.2.1. Thách thức tự nhiên của tiểu vùng sông Mekong

Dòng chảy thay đổi nhiều theo mùa: nên giao thôngbằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do các đoạn chảy xiết và các thác nước

Sự can thiệp làm đổi hướng và lưu lượng dòng chảy Mekong: do chịu ảnh hưởng từ việc khai thác cát trái phép và nguyên nhân đến từ can thiệp thượng nguồn dòng chảy sông Mekong nên đã làm đổi hướng và lưu lượng dòng chảy Mekong. Khi các hồ thượng nguồn trữ nước, chặn dòng chảy tự nhiên gây sụt giảm lưu lượng hạ nguồn, khiến phù sa không về được đồng bằng châu thổ. Hơn nữa, khi các hồ này xả để chạy thủy điện tại chỗ lại gây ngập lụt hạ lưu cho ĐBSCL nước ta.

Hiện tượng El Nino: sự nóng lên không bình thường làm tan băng nhanh ở hai đầu cực trái đất đã làm ảnh hưởng đến thế giới nói chung và đời sống của hơn 15 triệu dân vùng ĐBSCL nói riêng. Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế dự báo: nếu mực nước biển dâng lên 1m thì 20% đồng bằng châu thổ sẽ bị đe dọa, dâng lên 2m thì diện tích ĐBSCL sẽ bị xóa phân nửa, 90% diện tích ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100.

Hạn hán và đất nhiễm mặn: xảy ra ở nhiều vùng ven biển của ĐBSCL. Diện tích canh tác lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, giảm năng suất và sản lượng. Tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã sẽ bị xâm lấn.

Đất và rừng bị suy kiệt: nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Đất Mũi, bị đe dọa ảnh hưởng đến sự bền vững, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt.

Tình trạng sụt lún, trượt đất: do khai thác nước ngầm quá mức gia tăng khi nước biển dâng lên, đang xảy ra âm thầm tại TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

Mất đa dạng sinh học: giảm chất lượng không khí; hiện tượng axit hóa đại dương và sụt giảm số lượng rạn san hô, thay đổi cán cân thực phẩm trong sinh quyển,…

5.2.2. Rào cản với du lịch bền vững

Xu hướng du lịch hậu Covid-19: khách thường chọn tour ngắn ngày và cắt giảm chi tiêu.

Lạm phát gia tăng: 42% khách nội địa nghĩ du lịch bền vững là khá xa xỉ trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Lượng thông tin hạn chế: các lựa chọn du lịch bền vững không đủ đa dạng, 81% bày tỏ mong muốn các công ty lữ hành cung cấp nhiều gói tour bền vững hơn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường dòng Mekong: Các nhà máy xả thải, dự án sân golf đòi hỏi xử lý đất bằng các hóa chất gây hại cho môi trường. Các độc chất này sẽ tràn xuống sông Hậu hòa lẫn với các chất ô nhiễm khác gây ra guy cơ hủy diệt hệ thủy sinh tự nhiên, hủy hoại sinh thái nông nghiệp và môi trường tự nhiên phục vụ du lịch.

5.3. Xu hướng du lịch sau dịch Covid-19 hướng đến môi trường bền vững

Theo Báo cáo thường niên về du lịch bền vững của Booking.com vào năm 2021 và năm 2023, khảo sát từ 29.000 du khách trên 30 quốc gia trong đó có Việt Nam, nguy cơ của biến đổi khí hậu tác động không ít tới quyết định của 80% du khách khi lựa chọn tour bền vững. Các báo cáo tiếp tục chỉ ra sự mâu thuẫn khi khách du lịch phải tiết kiệm chi phí do kinh tế khó khăn và quyết định chi trả nhiều hơn cho du lịch, đó là: 88% du khách muốn đi du lịch theo cách bền vững, 53% cam kết giảm thiểu rác thải và tái chế nhựa và 75% khách nội địa sẵn sàng chọn lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận; hơn 80% du khách nội địa muốn giảm rác thải tổng hợp; giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ, hay xe đạp; 84-93% khách nội địa muốn có những trải nghiệm văn hóa chân thật và bảo tồn văn hóa.

6. Giải pháp phát triển du lịch bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL đang xây dựng kế hoạch hành động thích nghi với biến đổi khí hậu vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Vấn đề can thiệp từ doanh nghiệp và các tổ chức quản lý điểm đến (DMOs) sẽ thúc đẩy môi trường du lịch phát huy được thế mạnh một cách bền vững.

6.1. Về phía doanh nghiệp

Carter và Roger (2008) xác định quản lý chuỗi cung ứng bền vững là sự tích hợp chiến lược, minh bạch và đạt được các mục tiêu xã hội, môi trường và kinh tế của tổ chức. Ứng dụng trong việc điều phối hệ thống các quy trình nghiệp vụ liên tổ chức ngành du lịch giúp cải thiện hiệu quả kinh tế dài hạn của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của cả hệ thống mang tính liên kết vùng. Trong sự phát triển toàn cầu hóa, tính cạnh tranh của một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng. Du lịch ĐBSCL cũng không là ngoại lệ. Ở môi trường cạnh tranh toàn cầu, hoạt động của một doanh nghiệp không còn được quyết định bởi các quyết định và hành động xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp, thay vào đó sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các quyết định và hành động trong toàn bộ chuỗi cung ứng (Naslund và Williamson, 2010). Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển đã đặt áp lực lên tài nguyên thiên nhiên của Trái đất. Các bên liên quan ngày càng tạo ra áp lực cho các công ty du lịch không chỉ cung cấp những lợi ích kinh tế, mà còn phải giải quyết môi trường và xã hội, còn được gọi là tính bền vững hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Meixell và Luoma, 2015). Do đó, các doanh nghiệp du lịch kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, nhà hàng và dịch vụ ăn uống,… cần thống nhất phương thức kinh doanh có trách nhiệm, cụ thể như sau:

- Tăng cường sử dụng dịch vụ các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội Du lịch khu vực, mua tour lữ hành trong hiệp hội, sử dụng khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan,...;

- Triển khai chính sách kích cầu nhưng không tiếp tục giảm giá, mà tăng thêm dịch vụ hỗ trợ, như: dịch vụ đón đoàn, tặng thêm món ăn khi đặt trong nhà hàng của hội viên;

du lịch bền vững

 

- Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến trọng tâm của từng địa phương;

- Cải thiện chất lượng quy trình phục vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch;

- Xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp để đón các đoàn khách quốc tế;

- Triển khai thu hút thị trường khách nội địa tiềm năng tại các tỉnh thành trọng điểm;

- Tổ chức phối hợp các cụm du lịch trọng điểm, mở các chuyến tham quan, giao lưu học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm làm du lịch.

6.2. Về phía Nhà nước và địa phương

Kết hợp với 6 nguyên tắc và thực hành kế hoạch du lịch bền vững (Daniela Dumbraveanu, 2004) áp dụng cho vùng châu thổ ĐBSCL theo các tiêu chí của Tiêu chuẩn Du lịch bền vững - GSTC (Global Sustainable Tourism Council). Các giải pháp tổng hợp trong bài này được đề xuất theo 2 hướng tiếp cận thích nghi và giảm thiểu.

6.2.1. Các giải pháp giảm thiểu

Giải pháp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cơ chế phát triển sạch bằng con đường năng lượng tái tạo, canh tác hữu cơ và bảo tồn giống lương thực chất lượng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu,…

(1) Xử phạt những vi phạm về an toàn môi trường, kiểm soát khai thác cát trái phép gây xói mòn môi trường, thay đổi dòng chảy gây hại cho kinh tế nông nghiệp và du lịch. Kiểm soát và quản lý chất xả thải công nông nghiệp và y tế, dư lượng hóa chất xử lý đất phục vụ nuôi trồng, xây dựng hồ bơi, khu giải trí, thể thao phức hợp phục vụ du lịch.

Chống khai thác, lạm dụng thương mại các nhóm dễ bị tổn thương. Ngăn chặn các loài xâm hại, chống biến đổi khí hậu; giảm thiểu khả năng nhạy cảm với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro trong các hoạt động kinh tế và sản xuất - kinh doanh. Quản lý nghiêm ngặt vấn đề xả thải của các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

6.2.2. Các giải pháp thích nghi

Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn liền bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và tăng sinh kế cho cộng đồng cư dân địa phương. Bảo vệ con người và không gian bằng cách: Bảo đảm tính bền vững xã hội, tôn trọng cộng đồng địa phương, bảo vệ hệ sinh thái tại điểm đến theo các quy tắc ứng xử với môi trường; Bảo đảm sự bền vững về văn hóa, truyền thống địa phương; Tối đa hóa lợi ích kinh tế của cư dân địa phương. Tạo cơ hội bình đẳng cho cư dân địa phương về việc làm và thu nhập. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ưu tiên nhà cung cấp địa phương, phát triển sản phẩm dịch vụ bền vững; Tuân thủ các hướng dẫn quản lý và quảng bá điểm đến tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng sạch. Tăng mật độ xanh vùng đồi núi ven biên giới Việt Nam - Campuchia, duy trì và nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, xâm thực và suy thoái đất. Quy hoạch khai thác sử dụng và dự trữ nguồn nước cho tưới tiêu và sinh hoạt; cải tạo hệ thống thủy lợi, hành lang thoát lũ cho cư dân, đập ngăn mặn và chống ngập úng; Phát huy vai trò tham gia, kiểm soát của cộng đồng địa phương đối với các hoạt động du lịch: bảo tồn tài nguyên du lịch, đảm bảo sinh kế dân địa phương khi tham gia quy trình làm du lịch và phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả; Quy hoạch phân vùng bảo tồn; vùng khai thác du lịch, vùng dân cư ven sông, biển; Phát triển các vùng nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn GAP, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên đất, nước; Đảm bảo an toàn dân sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như vậy, để phát triển du lịch bền vững trong liên kết tiểu vùng châu thổ sông Mekong, cần có sự phối hợp các giải pháp từ người dân, chính quyền đến các doanh nghiệp, các nhà tổ chức quản lý điểm đến, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch của Vùng. Việc xây dựng kế hoạch hành động thích nghi với biến đổi khí hậu vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm giữ được sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cũng như môi trường để phát triển du lịch bền vững của Vùng trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường.
  3. Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thu Hiền (2020), “Nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 16, tháng 7. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-cac-tieu-chi-danh-gia-va-nhung-nhan-to-tac-dong-den-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam-74313.htm
  4. Nguyễn Bá Lâm (2007), Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Giáo trình, NXB Hà Nội.
  5. Lê Bảo Toàn, (2018), Tính bền vững và lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông sản, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 54, Số 9, 133-148. DOI: 22144/ctu.jvn.2018.190
  6. Kotler, P. and Keller (2013). Quản trị Nhà xuất bản Lao động xã hội.
  7. Kotler, P., Leong S. M., Ang, S. H. and Tan, C. T. (1997) Marketing management. Prentice Hall.
  8. Keller, K. L. (2003). Best practice cases in branding: Lessons From the World's Strongest Brands. Prentice Hall.
  9. Valarie A. Zeihaml, Mary Jo Bitner and Dwayne D. Gremler (2006). Service Marketing - Integrating Customer Focus Across the Firm. 4th edition, The McGraw-Hill companies Inc.
  10. Batey, I. (2002) Asian Branding - A great way to fly. Prentice Hall.
  11. Daniela Dumbraveanu (2004). Principles and practice of sustainable tourism planning. Human Geographies: Journal of Studies and Research in Human Geography, 1, 77 - 80.

Opportunities and challenges in sustainable tourism development through the establishment of linkages among areas of the Mekong sub-region

Master. Le Thi My Hanh

Master. Phung Vu Bao Ngoc

Faculty of Tourism, University of Finance and Marketing

Abstract:

The establishment of linkages among areas of the Mekong sub-region would bring many natural development opportunities for the tourism industry and help the sub-region receive key national planning preferences. However, the impact of global climate change and the overall operation of the Mekong River basin are challenging Vietnam’s sustainable tourism development goal. This paper analyzes the opportunities and challenges in sustainable tourism development through the establishment of linkages among areas of the Mekong sub-region. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to coordinate people, authorities, businesses, and destination management organizations to promote the potential and economic strengths of the Mekong Delta’s tourism industry.

Keywords: tourism, sustainability, Mekong Delta, Mekong Delta sub-region, climate change, destination organization and management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương