Dệt may tìm hướng đi mới

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020 là trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiề

Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trong Lễ khởi động Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” được tổ chức vào ngày 23/3/2018, tại Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ khởi động, ông Lê Tiến Trường cho biết, sau 20 năm phát triển xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam hiện đã đứng thứ 3 trên toàn thế giới, với trên 31 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2017 và dự kiến năm nay khoảng 34,5 tỷ USD.

Sau 20 năm phát triển xuất khẩu, sản phẩm dệt may Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các nước phát triển - ông Lê Tiến Trường cho biết

Cũng theo ông Trường, hiện ngành dệt may Việt Nam đã và đang hướng thị trường của các nước phát triển và đang phát triển. Trong năm 2017, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ là 48%, 28 nước EU 18%, Nhật Bản là 12%. Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã lần đầu đi vào Trung Quốc với 12% và xấp xỉ 10% tại thị trường Hàn Quốc.

“Tất cả các nước phát triển đều có sự hiện diện của hàng dệt may Việt Nam”, người đứng đầu Vinatex nhấn mạnh.

Ông Trường cũng chia sẻ thêm, khi ngành dệt may đã đứng thứ 3 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, thì Việt Nam trở thành đối thủ của các đối thủ khác và đây là đích đến để cạnh tranh.

Điển hình, năm 2017, cả thế giới xuất khẩu dệt may đều có sự tụt giảm, nhưng Việt Nam lại tăng mạnh (3 tỷ USD). “Trong con mắt của đối thủ cạnh tranh, thì Việt Nam là một đối thủ cần kiềm chế, cần tập trung xử lý vì tăng trưởng mạnh. Chính vì vậy, sức ép đối với Việt Nam hiện là rất lớn”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ngành dệt may Việt Nam sẽ trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu trong những năm tới

Do vậy, Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” nhằm mục đích nâng cao nhận thức chung của Vinatex và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định: ngành dệt may Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Là đơn vị đầu ngành, Vinatex và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện Chiến lược chung như đảm bảo mức độ tăng trưởng; thành công bước đầu liên quan đến nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hội nhập kinh tế cũng đưa đến không ít thách thức. Thực tế này yêu cầu Vinatex và các đơn vị thành viên phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả các tài sản trí tuệ; trong đó, xây dựng được những thương hiệu dệt may mạnh, nâng cao và phát triển giá trị của các thương hiệu này và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh được xác định là những vấn đề then chốt, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận định.

Thu Hoài