Giá dầu thô tăng vọt, liên minh OPEC+ không nâng thêm sản lượng khai thác

Giá dầu thô quốc tế trong phiên giao dịch sáng nay đã tăng mạnh ngay sau thông tin các liên minh OPEC+ huỷ phiên họp điều hành chính sách khai thác và không nâng thêm sản lượng khai thác trong tháng 8/2021 do Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) kiên quyết phản đối kế hoạch.

Giá dầu thô vượt ngưỡng 77 USD/thùng

giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 6/6 - 6/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, đến 8h30 sáng nay ngày 6/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng thêm 1,3% lên 77,17 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas(WTI) giao tương lai cũng tăng hơn 1,5% lên mức 76,33 USD/thùng.

Quyết định huỷ bỏ phiên họp của liên minh OPEC+ cũng đồng nghĩa rằng liên minh này sẽ không tăng thêm sản lượng khai thác trong tháng 8 tới đây. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong những tháng mùa hè và thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.

Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu. Trong đó, UAE là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba trong khối OPEC và là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.

Theo đề xuất nâng sản lượng khai thác mới do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ sẽ chỉ nâng sản lượng khai thác ở mức thấp và phục hồi hoàn toàn sản lượng khai thác về mức bình thường vào tháng 12/2022 thay vì vào tháng 4/2022 như kế hoạch trước đây. UAE đã kiên quyết phản đối điều này; số liệu cho thấy, nếu tuân thủ theo kế hoạch mới thì sản lượng khai thác dầu thô thực tế của UAE sẽ thấp hơn tới 30% so với công suất tối đa.

Việc liên minh OPEC+ không tìm ra tiếng nói chung trong phiên họp chính sách lần này cho thấy sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia sau thời gian dài cắt giảm mạnh sản lượng khai thác với việc cân bằng giá dầu thô khi nhu cầu bùng nổ trở lại.

Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 – 4/2021, nhằm ngăn chặn giá dầu thô sụp đổ dưới các tác động của đại dịch Covid-19, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Kể từ tháng 5/2021, liên minh OPEC+ bắt đầu thận trọng nâng dần sản lượng khai thác ở mức thấp trở lại. Dự báo triển vọng nhu cầu sử dụng ở mức cao trong khi nguồn cung dầu thô từ liên minh OPEC+ ở mức thấp đã đẩy giá dầu thô tăng 47% kể từ đầu năm đến nay.

Triển vọng thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm nay

Chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng lo ngại việc giá dầu thô tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu và yêu cầu liên minh OPEC+ cần giữ giá dầu thô ở mức hợp lý. Trong ngày 4/7, Ả-rập Xê-út công khai chỉ trích hành động của UAE và gây sức ép buộc nước này phải chấp thuận kế hoạch khai thác mới.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định việc liên minh OPEC+ không đạt thoả thuận nâng sản lượng khai thác cho tháng 8/2021 sẽ giúp giá dầu thô tăng lên nhưng đồng thời rủi ro biến động trên thị trường cũng sẽ cao hơn khi các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ có thể tự hành động để duy trì lợi ích của mình.

Bộ phận nghiên cứu thị trường của tập đoàn tài chính ING Group (Hà Lan) cũng cảnh báo việc liên minh OPEC+ không tìm được tiếng nói chung trong phiên họp lần này có thể đánh dấu chấm hết cho sự hợp tác diện rộng giữa các quốc gia thành viên trong việc kiểm soát thị trường dầu mỏ. Do đó, các quốc gia thành viên có thể sẽ âm thầm nâng sản lượng khai thác trở lại.

Trước đó, hồi tháng 3/2020, Nga đã rời khỏi liên minh OPEC+ sau những bất đồng về chính sách khai thác sản lượng và kích hoạt cuộc chiến giá dầu nhằm cạnh tranh thị phần với Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã buộc Nga phải quay trở lại liên minh nhằm cùng ngăn chặn giá dầu thô suy giảm.

Tuy Ả-rập Xê-út và UAE là hai quốc gia đồng minh trong khu vực nhưng Ả-rập Xê-út gần đây đang nổi lên, thách thức sự thống trị về du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài của UAE tại bán đảo Ả-rập. Ả-rập Xê-út hiện đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ như cách UAE đã làm thành công trước đây.

Quang Đặng