Huyện Tánh Linh:Hành trình 40 năm xây dựng và phát triển

Trải qua 40 năm (1983 – 2023) xây dựng, phát triển và hội nhập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tánh Linh đã không ngừng lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng trong mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội.

Huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) có tiềm năng lớn về đất đai, lao động và giao thông. Trong những năm qua, với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, làm thay đổi đáng kể diện mạo và tiềm lực kinh tế địa phương theo hướng tích cực.

Kinh tế phát triển tương đối ổn định, năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế tăng đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đẩy mạnh đầu tư, cơ sở vật chất và kỹ thuật được tăng cường; mở rộng hợp tác, liên kết thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; các chính sách đền ơn đáp nghĩa, phúc lợi và an sinh xã hội được bảo đảm; tình hình chính trị, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Qua đó, huyện Tánh Linh đang từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế động lực của tỉnh Bình Thuận.

huyện Tánh Linh
Cơ sở vật chất của huyện Tánh Linh ngày càng được đầu tư hoàn thiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng.

Cơ cấu kinh tế của huyện Tánh Linh từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, một số tiềm năng, lợi thế của huyện được khai thác ngày càng hiệu quả hơn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã tập trung triển khai và thực hiện nâng cao chất lượng và giá trị 3 sản phẩm chủ lực chính là: Lúa gạo, Cao su và Điều.

huyện Tánh Linh
Huyện Tánh Linh vươn lên là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Bình Thuận.

Chương trình khuyến công đã hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ phát triển công nghiệp nông thôn đã bắt đầu có tác động tích cực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của huyện. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển công nghiệp bảo quản nông sản sau thu hoạch; đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô công suất hoạt động.

Từ một huyện hằng năm phải trợ cấp lương thực, huyện Tánh Linh vươn lên là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Bình Thuận, hàng năm còn xuất ra khỏi huyện hàng vạn tấn lương thực. Đến thời điểm này, huyện Tánh Linh đã có những sản phẩm OCOP chất lượng cao như gạo ST25, OM18, gạo Đức Lan…

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng nhanh (từ 2,11% năm 1983 lên 34% năm 2023). Để thu hút các nhà đầu tư, huyện Tánh Linh đã chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Nhờ đó, giá trị sản xuất tăng trưởng nhanh qua các năm, từ 183 triệu đồng năm 1983 tăng lên 4.252 tỷ đồng cuối năm 2022.

Được sự quan tâm của các cấp trung ương, tỉnh, cơ sở vật chất của huyện Tánh Linh ngày càng được đầu tư hoàn thiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng, đặc biệt đầu tư xây dựng cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, tạo cho bộ mặt huyện từng bước khởi sắc.

Trong 40 năm, tổng vốn đầu tư từ ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 2.122 tỷ đồng. Năm 2022, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng đã thực hiện giải ngân 62,5 tỷ đồng. Trong đó, 31,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường học (04 công trình), 14 tỷ đồng đầu tư cho đường giao thông (01 công trình), 9 tỷ đồng dành cho công trình công viên và 8 tỷ đồng dành cho công trình văn hóa. Nhằm tạo đà phát triển kinh tế - xã hội huyện Tánh Linh, vốn đầu tư công của tỉnh bố trí cho huyện Tánh Linh năm 2023 là 169 tỷ đồng, ngân sách Trung ương bố trí vốn 70 tỷ đồng.

Xác định giao thông phải tiên phong đi trước nên hàng năm huyện Tánh Linh đều tu sửa, nâng cấp, mở rộng cũng như đầu tư mới nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc trung chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, cải thiện môi trường đầu tư… Trong đó tổng chiều dài đường đô thị hiện có khoảng 10,54 km, đường huyện quản lý gần 64 km, đường xã quản lý 532,62 km và đường giao thông nông thôn khác là hơn 366 km.

huyện Tánh Linh
Hàng năm huyện Tánh Linh đều tu sửa, nâng cấp, mở rộng cũng như đầu tư mới các công trình giao thông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như cho việc trung chuyển, lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch ...

Việc đầu tư kênh mương nội đồng tại huyện Tánh Linh cũng được quan tâm triển khai xây dựng và đến nay đạt khoảng 22,44 km/85,6 km, ngoài ra còn xúc tiến nạo vét chống ngập trên địa bàn huyện. 5 nhà máy nước với tổng chiều dài đường ống cấp nước hơn 114.500 m do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận quản lý đang hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu cho hầu hết khu đô thị, khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý rác thải Thanh Long đã đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo nước thải của nhà máy được xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Cùng với đó, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống lưới điện cũng đã phủ kín địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân lẫn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư chính là nền tảng để huyện Tánh Linh thay đổi bộ mặt nông thôn mới của huyện. Đến nay, huyện đã có 09/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thay đổi vượt bậc; 100% đường liên huyện, liên xã và trục xã; hơn 75% đường trục thôn; hơn 84% đường ngõ, xóm và hơn 72% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa bằng nhựa, bê tông, sỏi cuộn đảm bảo đi lại thuận tiện; 100% hộ gia đình sử dụng điện an toàn.

Bước sang giai đoạn mới, huyện Tánh Linh đặt mục tiêu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tích cực đổi mới, sáng tạo; tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của huyện. Trong đó, tập trung sức phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ cơ, tạo ra sản phẩm sạch, gắn liền với các thương hiệu nông sản huyện Tánh Linh. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp 4.0; đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; khai thác có hiệu quả tài nguyên gắn với coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, kinh tế huyện Tánh Linh đã đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân tăng trưởng 20,14%/năm trong đó, nhóm ngành: nông – lâm – thủy sản tăng 18,79%; công nghiệp – xây dựng tăng 28,8%; dịch vụ tăng 19,32%. Quy mô giá trị (theo giá hiện hành) tăng từ 8,68 tỷ đồng năm 1983 lên 13.365 tỷ đồng năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người từ 0,079 triệu đồng năm 1983 đã tăng lên thành 55,8 triệu đồng trong năm 2023 (trung bình 17,82%/năm). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 100 tỷ đồng, tăng bình quân 14,3%/năm.

An Khang