Ngành Thép Việt Nam: Sẵn sàng lên “chuyến tàu” CBAM?

Trong hai ngày 12-13/8/2023, HIệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức hội thảo và triển lãm công nghiệp thép Việt Nam hướng tới chiến lược xanh.

CBAM - đồng hồ đếm ngược với doanh nghiệp thép Việt

Hội thảo diễn ra với 4 phiên theo 4 chủ đề sau: Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon năm 2050; Kinh nghiệm, lộ trình trung hòa carbon của các quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam; Định hướng chuyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa carbon trong sản xuất thép và cơ chế hợp tác; Lộ trình chuyển đổi xanh của công đồng doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã chủ trì hội thảo. Các diễn giả tham gia là các ông Tiến sĩ Tesa – SMS Group, Ông Stephan Raes – Trưởng phòng Chính sách CN & Kết cấu OECD; ông Yeoh Wee Jin Tổng thư ký Hiệp hội Thép Đông Nam Á. Về phía cơ quan nhà nước có sự tham gia của ông Hoàng Văn Tâm- Vụ Tiết kiệm năng lượng Bộ Công Thương; ông Lương Quang Huy- Cục Biến đổi khí hậu; ông Đinh Quốc Thái – Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cùng nhiều diễn giả đến từ nhiều công ty, tập đoàn khác.

Thông tin từ hội thảo cho biết, chỉ còn hơn hai tuần nữa, cụ thể hơn là từ ngày 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Trước đó, ngày 16/5/2023 Ủy ban Châu Âu đã ban hành quy định (EU) 2023/956 ngày 10/5/2023 về thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) tại EU.

CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 01/10/2023, với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/01/2024. Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Với mục đích nâng cao tham vọng khí hậu của riêng mình, EU cho rằng các chính sách về môi trường và khí hậu ở các nước ngoài EU ít nghiêm ngặt hơn và có nguy cơ cao “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu. Do vậy, EU ban hành Cơ chế xanh mới để nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài EU, đó là một hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất và khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện.

Tác động của cơ chế CBAM đối với ngành Thép và các doanh nghiệp xuất khẩu thép là vô cùng mạnh mẽ. Cùng với tình hình sản xuất kinh doanh không mấy thuận lợi mà doanh nghiệp ngành Thép đang phải đối mặt thì “chuyến tàu” thuế carbon lại cho thấy thêm những thách thức mới cho tất cả.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép nhận định, việc phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Trung ương. Ông Đa cũng cho biết, theo tính toán của chuyên gia, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).

Lên tàu CBAM - doanh nghiệp thép Việt có gì trong tay?

Vì vậy, việc chuyển đổi sản xuất thép từ "thép xám" sang "thép xanh" là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế" - ông Đa cho biết.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị của doanh nghiệp Thép Việt cho đến nay đang ở mức sơ khởi.  

Công ty Thép Việt – Sing, một liên doanh đầu tiên của Việt Nam với Singapo được thừa hưởng phương pháp quản trị bài bản của Tập đoàn Natsteel Holding nên dù đã gần 30 năm ra đời và phát triển, quy mô sản xuất ở tầm trung, nhưng đã áp dụng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế từ những ngày đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đứng trước “chuyến tàu” CBAM, ông Lê Khắc Giang, Phó Phòng Sản xuất thực lòng chia sẻ: “Thép Việt – Sing đã thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất… nhằm giảm dần phát thải. Nhưng để giảm nhiều lượng phát thải tiến tới không phát thải cần có sự đột phá lớn về công nghệ. Muốn vậy cần chi phí rất lớn trong khi ngành Thép đang gặp nhiều khó khăn”.

Ông Giang cũng cho biết, có một số tổ chức tài chính nước ngoài có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, nhưng đầu tư số vốn lớn. “Ở thời điểm này cũng không thực sự thích hợp với các doanh nghiệp…”

Theo chia sẻ của đại diện đến từ Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) thì “Doanh nghiệp phải sống đã, rồi mới nghĩ đến những mục tiêu xa hơn. Tuy nhiên, thông qua Hiệp hội Thép cũng như các nguồn thông tin khác, chúng tôi cũng đã nhận diện những việc phải làm để có thể thực thi cơ chế CBAM bởi vì việc nhắm tới xuất khẩu EU là một mục tiêu và cơ hội mà không một doanh nghiệp sản xuất thép nào từ chối”.

Tương tự như vậy, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) cho biết, doanh nghiệp này cũng đang nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó bởi mục tiêu là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Nếu không nắm kỹ quy định sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Rõ ràng, dù muốn dù không, “chuyến tàu” CBAM đã sắp đến hồi chuyển bánh, cũng giống như doanh nghiệp thép cần sản xuất thép “xanh”. Tuy nhiên, làm thép “xanh” là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính. Tuy nhiên, sự chuẩn bị để chủ động về thông tin, chính sách, từ đó có những điều chỉnh, chuẩn hóa trong quản trị năng lượng và phát thải trong sản xuất là điều mà doanh nghiệp hoàn toàn không tốn chi phí và có thể bắt đầu càng sớm càng tốt. Để khi thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, với những khởi sắc về tài chính, doanh nghiệp Thép có thể đàng hoàng lên tàu đón vận hội mới.

Minh Thủy