PV Power: Lãi ròng quý 2/2023 giảm 69%, cổ phiếu POW chịu áp lực giảm

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power vừa cho biết lãi ròng quý 2/2023 giảm 69% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng và không còn ghi nhận khoản doanh thu chênh lệch tỷ giá đột biến.

Lãi ròng quý 2/2023 giảm 69%, cổ phiếu POW chịu áp lực giảm

Điện lực Dầu khí Việt Nam PV Power
Bên cạnh vấn đề chi phí nhiên liệu tăng, PV Power còn cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn nợ đọng xấp xỉ 13.000 tỷ đồng khiến dòng tiền của Tổng Công ty khó cân đối.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (mã cổ phiếu POW – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 8.555 tỷ đồng, tăng 13% so với quý 2/2022. Tuy nhiên, tổng chi phí hợp nhất trong cùng kỳ lại tăng tới 19% nên lợi nhuận trước thuế giảm 59%.

Kết thúc quý 2/2023, lãi ròng của PV Power chỉ đạt 181,6 tỷ đồng, giảm 69% so với quý 2/2022.

Theo giải trình của PV Power, sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao trong quý 2/2023 đã khiến giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng thêm 1.428 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,8% so với quý 2/2022. Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng 768 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% so với quý 2/20222. Dẫn đến việc lợi nhuận gộp trong quý 2/2023 giảm 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 469 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quý 2/2022, PV Power có ghi nhận khoản doanh thu chênh lệch tỷ giá của Hợp đồng mua bản diện Nhà máy điện Vũng Áng 06 tháng cuối năm 2018. Trong khi đó, quý 2/2023 không có khoản tương tự, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ năm trước.

PV Power cũng cho biết trong quý 2/2023, các nhà máy thuỷ điện của Tổng Công ty đều sụt giảm sản lượng do lưu lượng nước về hồ thấp, dẫn đến doanh thu thủy điện giảm trong khi đó giá vốn không giảm tương ứng do chi phi cổ định chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn. Đồng thời, các nhà máy điện khí gặp khó khăn khi giá nhiên liệu tăng, cùng với đó là việc huy động vận hành bằng nhiên liệu dầu dẫn đến phải thực hiện lên, xuống máy nhiều lần cũng làm cho giá vốn tăng cao.

Đối với hoạt động tài chính, PV Power ghi nhận lỗ 14 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 163 tỷ đồng của cùng kỳ. Cụ thể, trong quý 2/2023, doanh thu tài chính hợp nhất đã tăng 67 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 82 tỷ, chủ yếu là do lãi tiền vay giảm 18 tỷ; đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 54 tỷ và chi phí tư vấn tái cấu trúc giảm 7,5 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu POW PV Power
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu POW của PV Power từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, giá cổ phiếu POW của PV Power giảm 1,8% xuống còn 13.300 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, cổ phiếu POW đã gần như xoá sạch đà tăng được ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 26/7. Cũng trong phiên giao dịch này, khối lượng giao dịch cổ phiếu POW tăng đột biến so với thông thường, lên đến 27,13 triệu đơn vị được khớp lệnh. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu POW đã tăng khoảng 20%.

Phải thu từ các đơn vị mua bán điện lên đến 15.000 tỷ đồng

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023, đại diện ban lãnh đạo PV Power đã cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, một số nhà máy điện thuộc Tổng Công ty không đạt sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao do nhiều nguyên nhân khách quan.

Các nhà máy thủy điện trong tình trạng thiếu nước, nguồn khí cũng bị thiếu hụt, Tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố. Việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc...

Đặc biệt, tình hình thu hồi công nợ của PV Power từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vô cùng khó khăn, tính đến nay tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng khiến dòng tiền của Tổng Công ty khó cân đối, đại diện Điện lực Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.

Xem thêm: "Nhiệt điện khí - Động lực tăng trưởng trong dài hạn cho PV Power" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Liên quan tới hợp đồng với EVN, lãnh đạo PV Power đã giao các ban, đơn vị thành viên kiểm tra, rà soát công nợ giữa các bên, tổng hợp báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng các khoản phải thu ngắn hạn của Điện lực Dầu khí Việt Nam là hơn 17.835 tỷ đồng, tăng tới 42% so với thời điểm đầu năm và chiếm gần 29% tổng tài sản. Riêng khoản phải ngắn hạn của khách hàng là các đơn vị mua bán điện lên đến gần 15.000 tỷ đồng.  

Liên qua đến tiến độ thực hiện Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, ban lãnh đạo PV Power cho biết tiến độ gói thầu san lấp tại hai dự án nhiệt điện khí này đang trong giai đoạn quyết toán theo hợp đồng đạt 180/205 tỷ, dự toán giá trị gói thầu 235 tỷ. Đối với gói thầu EPC đang được triển khai tốt, bám sát tiến độ, dự kiến Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và phát điện thương mại Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào khoảng tháng 5/2025.

Hai dự án này được kỳ vọng sẽ giúp nâng tổng công suất phát điện theo thiết kế  của PV Power lên thêm 35%.

Duy Quang