Giá dầu thô 2/5: Tiếp tục chịu áp lực giảm, lo ngại khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ sẽ lan rộng

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 2/5, giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm khi thị trường đón nhận nhiều thông tin tiêu cực, bao gồm sự sụp đổ của ngân hàng thương mại lớn thứ 14 Hoa Kỳ - First Republic Bank.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 79,38 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas đạt 75,75 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 1 USD/thùng khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 4 đã bị thu hẹp so với hồi tháng 3; đồng thời, mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu suy yếu.

Tâm lý thị trường cũng bị tác động tiêu cực từ việc ngân hàng First Republic Bank, ngân hàng thương mại lớn thứ 14 Hoa Kỳ, chính thức tuyên bố phá sản trong ngày 1/5 và được ngân hàng JPMorgan Chase mua lại. Trong tháng 3 vừa qua, Hoa Kỳ đã ghi nhận 3 ngân hàng liên tiếp phá sản, bao gồm cả Silicon Valley Bank - định chế tài chính lớn thứ 17 tại nước này.

Giới đầu tư lo ngại các yếu kém trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ có thể lan rộng ra nền kinh tế trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất ở mức nhanh và mạnh chưa từng có tiền lệ.

Mặc dù FED cho rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ hiện “an toàn và có sức chống chịu tốt”, một số quan chức của FED vẫn tỏ ra quan ngại và cảnh báo diễn biến bất lợi của hệ thống ngân hàng có thể đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay. Điều này có thể tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian tới.

Sự sụp đổ của First Republic Bank, và trước đó là Silicon Valley Bank, đang đặt FED vào tình thế khó khăn trong việc ra các quyết định chính sách. Dữ liệu mới nhất cho thấy, trong quý 1/2023, nếu loại bỏ biến động giá lương thực và năng lượng thì chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi (PCE lõi) của Hoa Kỳ đã tăng tới 4,9%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,4% được ghi nhận trong quý 4/2022. Những con số này cũng cao hơn nhiều mức mục tiêu lạm phát 2% của FED.

Do đó FED có thế phải chấp nhận tiếp tục nâng lãi suất cũng như giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian đủ lâu để đưa lạm phát về mức mục tiêu, bất chấp điều này sẽ khiến hệ thống tài chính Hoa Kỳ đối mặt rủi ro lớn hơn.

Hiện thị trường đang tập trung quan sát phiên họp chính sách định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra từ ngày 2 - 3/5 (theo giờ địa phương). Theo khảo sát của sở giao dịch CME Group (Hoa Kỳ), giới đầu tư hiện nhận định có đến 80% xác suất FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm trong phiên họp tới.

Tuy nhiên, giá dầu thô cũng đang được nâng đỡ khi khảo sát cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống, xác lập tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa hè – mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu. Dữ liệu sơ bộ về mức tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ sẽ được Viện Dầu khí Hoa Kỳ công bố trong ngày 2/5 và dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào ngày 3/5 (theo giờ địa phương).

Tường Vy