Hoạt động kinh tế khu vực Eurozone rơi xuống đáy 5 tháng

Hoạt động kinh tế tại khu vực Eurozone trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua dưới tác động của lạm phát và lãi suất cao.
Hoạt động sản xuất tại khu vực Eurozone sụt giảm
Hoạt động sản xuất lẫn dịch vụ tại khu vực Eurozone trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao. (Ảnh: AFP)

Dữ liệu mới nhất do HCOB Flash Eurozone do S&P Global công bố cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6/2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm mạnh xuống còn 50,3 điểm, so với mức 52,8 điểm hồi tháng 5/2023. Đây là mức thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây của khu vực Eurozone.

Chỉ số PMI là chỉ số kinh tế tổng hợp đo lường mức độ phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ số trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đã được mở rộng và ngược lại.

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global cho biết sự sụt giảm của chỉ số PMI đang cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Eurozone sau khi phục hồi tăng trưởng ngắn ngủi được ghi nhận hồi đầu năm nay. S&P Global cũng cho biết mức độ quan ngại về triển vọng kinh tế của các doanh nghiệp tại khu vực Eurozone đang ngày càng tăng lên.  

Theo dữ liệu chính thức được công bố vào đầu tháng 6/2023, khu vực Eurozone đã rơi vào suy thoái kỹ thuật với tăng trưởng GDP quý 1/2023 và quý 4/2022 ở mức âm. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực này vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ. Vừa qua, ECB đã tiếp tục tăng lãi suất lên mức 3,5% - mức cao nhất trong vòng 22 năm qua để kiềm chế lạm phát.

Nhiều chuyên gia lo ngại môi trường lãi suất cao, lạm phát cao và các điều kiện tiếp cận tín dụng bị thắt chặt sẽ khiến các hoạt động của doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình tại khu vực Eurozone trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là sự trì trệ của cả nền kinh tế.

Đáng chú ý, một số nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone đang đối mặt với rủi ro suy thoái cao. Điển hình, Đức - nền kinh tế “đầu tàu” khu vực này đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật dưới sức ép của lạm phát. Ngân hàng Trung ương Đức hiện nhận định nền kinh tế nước này sẽ suy thoái ở mức âm 0,3% trong năm nay. Giới quan sát cảnh báo Đức có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng yếu kéo dài, khác với các lần phục hồi tốt trước đây.

Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 6/2023 của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất toàn khu vực. Dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất lẫn dịch vụ tại Pháp giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.

Các nhà kinh tế hiện cho rằng việc chỉ số PMI tháng 6/2023 ở mức yếu cũng sẽ không khiến ECB “chùn bước” trong việc tăng lãi suất.

Duy Quang