Giá dầu thô 11/7: Giao dịch thận trọng trước lo ngại suy thoái kinh tế và FED tăng mạnh lãi suất

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 11/7, giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm nhẹ khi thị trường tiếp tục thận trọng với lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tiếp tục nâng mạnh lãi suất vào cuối tháng này.
Giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 0,49% xuống 106,54 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 giảm 0,74% xuống 104,03 USD/thùng. 

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm 4,1% và giá dầu thô WTI giảm 3,4%. Trong những phiên giao dịch đầu tuần trước, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm mạnh trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra khi các ngân hàng trung ương “chạy đua” siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Trong ngày 5/7, giá dầu thô Brent đã lao dốc, mất hơn 9% - xác lập mức giảm giá theo ngày cao thứ ba trong lịch sử kể từ khi các hợp đồng giao dịch dầu thô Brent được giao dịch vào năm 1988.

Giới phân tích nhận định thị trường sẽ tiếp tục thận trọng với lo ngại suy thoái kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong phiên họp chính sách định kỳ diễn ra vào cuối tháng này. Dữ liệu mới nhất về bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 6. Điều này cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt và sẽ giúp FED có thêm cơ sở để tăng lãi suất mà không lo ngại các tác động tiêu cực đến thị trường việc làm.

Bên cạnh đó, thị trường còn lo ngại diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể khiến nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm tốc, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dầu thô suy yếu.

Các thông tin mới nhất cho thấy Thượng Hải, thành phố kinh tế lớn nhất Trung Quốc, đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5 Omicron. Biến thể phụ này đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều quốc gia. Điều này sẽ đặt ra những thách thức mới cho chiến lược zero-Covid của Trung Quốc. Kể từ cuối tuần trước, Trung Quốc đã tái áp dụng các biện pháp phong toả tại một số thành phố lớn chỉ sau vài tuần nới lỏng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Về phía nguồn cung, khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Anh) cho thấy sản lượng khai thác dầu của liên minh OPEC+ trong tháng 6 vừa qua đạt 42,09 triệu thùng/ngày - mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Con số này tăng thêm 390.000 thùng/ngày so với mức khai thác trong tháng 5.

Tuy nhiên, khảo sát của S&P Global Commodity Insights cũng cho thấy hầu hết các quốc gia thành viên của liên minh OPEC+ tiếp tục đối mặt với các khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác, gồm các biện pháp cấm vận, tình trạng mất ổn định địa chính trị, thiếu hụt nguồn điện, bảo dưỡng và các vấn đề kỹ thuật.

Thị trường hiện đang quan sát chặt chẽ diễn biến kế hoạch của các quốc gia phương Tây nhằm áp đặt trần giá bán dầu thô của nga từ mức 40 – 60 USD/thùng nhằm giảm nguồn thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt thêm của phương Tây có thể dẫn đến hậu quả "thảm khốc" trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Tường Vy