Hai dự án thương mại và đường bộ trong ngày, bức tranh phát triển hạ tầng của Quảng Nam đang "sáng" hơn

Các dự án đầu tư ở nhiều quy mô được triển khai đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu trọng tâm năm 2023 của tỉnh Quảng Nam là phát triển mạnh hệ thống hạ tầng.

Central Retail đầu tư dự án thứ 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Ngày 19/7/2023, Tập đoàn Central Retail đã tổ chức khai trương siêu thị mini go! Điện Bàn (tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

go! Điện Bàn là siêu thị mini go! thứ 6 của Central Retail tại Việt Nam, và là cơ sở kinh doanh thứ 3 của Tập đoàn này tại Quảng Nam, sau đại siêu thị GO! Đà Nẵng và mini go! Tam Kỳ.

Nghi thức khai trương siêu thị mini go! Điện Bàn (thuộc Tập đoàn Central Retail)  tại Quảng Nam
Nghi thức khai trương siêu thị mini go! Điện Bàn (thuộc Tập đoàn Central Retail) tại Quảng Nam

Siêu thị mini go! Điện Bàn có diện tích sàn gần 2.000 m2, được xây dựng theo mô hình tích hợp tiện ích, bao gồm cả các nhà hàng ăn uống là đối tác của Central Retail như KFC, Pizza Hút,…; khu mua sắm hàng tiêu dùng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, hàng thời trang,…; khu vui chơi Kubo cho trẻ em,…

Khi đi vào hoạt động, siêu thị sẽ giải quyết việc làm ổn định cho 100 lao động địa phương, bao gồm cả lao động toàn thời gian và bán thời gian.

Phát biểu tại lễ Khai trương siêu thị mini go! Điện Bàn, ông Trần Úc - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, với dân số 250.000 người, thị xã trẻ Điện Bàn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thương mại dịch vụ.

Việc khai trương mini go! được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội của thị xã nói chung trong thời gian tới, đồng thời giúp thay đổi diện mạo đô thị của huyện - là điểm đến giải trí và mua sắm hiện đại, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.

go! Điện Bàn đi vào hoạt động không chỉ góp phần thay đổi diện mạo thị xã mà còn giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương
go! Điện Bàn đi vào hoạt động không chỉ góp phần thay đổi diện mạo thị xã mà còn giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương

“Sự kiện hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động mở rộng đầu tư, kinh doanh của Central Retail tại Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng”, ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho hay.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2023 tỉnh Quảng Nam ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với quý trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 34,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra sôi động, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,56 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 10.810 tỷ đồng. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng

Sáng cùng ngày, tại xã Tiên Phong (Tiên Phước), UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khởi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam.

Dự án hệ thống đường bộ có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng, đi qua 5 địa phương gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My. Tổng chiều dài đầu tư xây dựng toàn tuyến hơn 31,8km, có điểm đầu tại nút giao với đường Thanh niên ven biển (ĐT613B) tại xã Bình Nam (Thăng Bình) và điểm cuối tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My).

Dự án do nhà thầu chính là liên danh Công ty TNHH Sambo Engineering - Công ty TNHH Hunhwa Engineering & Consulting thi công, nhà thầu phụ là Công ty CP Tư vấn xây dựng 138.

Các đại biểu ấn nút khởi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
Các đại biểu ấn nút khởi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, sau khi dự án được đầu tư hoàn thành, cùng với dự án Nâng cấp quốc lộ 40B đã hoàn thành năm 2022, sẽ hình thành trục động lực kết nối Đông Tây phía nam của tỉnh. Ngoài ra, từ 2 trục đường này, các địa phương sẽ nghiên cứu quy hoạch, đầu tư các tuyến đường ngang để kết nối, mở rộng không gian đô thị.

Các dự án đầu tư ở nhiều quy mô được triển khai đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu trọng tâm năm 2023 của tỉnh Quảng Nam là phát triển hạ tầng. Trước đó, tình đã ban hành danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2022-2023 gồm 36 dự án, gồm 8 dự án hạ tầng công nghiệp, 10 dự án hạ tầng đô thị, 12 dự án hạ tầng du lịch, 3 dự án hạ tầng thương mại - dịch vụ và 3 dự án hạ tầng nông nghiệp.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đang tập trung cho các dự án trọng điểm như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (1.848 tỷ đồng); Dự án thành phần 2 thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 - Võ Chí Công (956 tỷ đồng) … Bên cạnh đó, các dự án nhỏ nhưng có tác động lan tỏa lớn đối với nền kinh tế cũng được ưu tiên triển khai quyết liệt. 

Theo đó, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Nam là hơn 9.200 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 7.700 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 1.400 tỷ đồng. Báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh cho thấy, tính đến ngày 30/6, vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Nam (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng (đạt 20,6%). Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 1.496 tỷ đồng (đạt 19,2%); kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 413 tỷ đồng (đạt 28%).

Quảng Nam xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt
Quảng Nam xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt

Một điểm sáng trong bức tranh là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh, quý II đã tăng 52% so với quý I/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 15,126 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam đã cấp mới 8 dự án đầu tư, gồm 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1,4 nghìn tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD.

Tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.101 dự án với tổng vốn đăng ký gần 220 nghìn tỷ đồng. Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 194 dự án với tổng vốn đăng ký 6,1 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo. Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các Khu - Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Nam nhận định tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như đầu tư thực hiện toàn xã hội sẽ tăng mạnh vào quý III và quý IV, khi các dự án đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị đầu tư, qua đó tác động tích cực để vực dậy nền kinh tế của tỉnh trong 6 tháng còn lại của năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng nửa đầu năm sụt giảm đến 9,2%.

Thy Thảo