Đảm bảo nguồn cung hàng hóa bình ổn dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024

Nhiều giải pháp đang được triển khai nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có một số chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân tại thị trường trong nước ra sao trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024?

Bà Lê Việt Nga: Công tác chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán luôn được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung thực hiện.

Như thường kỳ, thông lệ hàng năm, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo tới UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, theo đó sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: (i) Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; (ii) Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Theo báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp, hiện một số địa phương, doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có những địa phương đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường trong cả năm như TP Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh… Một số tỉnh, thành phố khác đang xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân với giá cả hợp lý.

PV: Bà đánh giá thế nào về tình hình biến động của giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian qua và xu hướng biến động trong thời gian tới sẽ ra sao?

Bà Lê Việt Nga: Chín tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm cùng với Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Riêng mặt hàng thóc gạo, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, trong đó có việc ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ nên giá thóc gạo trong nước đã tăng khá cao từ nửa cuối tháng 7 đến nay, tuy nhiên, nguồn cung thóc gạo cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm; giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm, tuy nhiên từ tháng 5, giá đã tăng trở lại, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 lại có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu thấp; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới. Dù vậy, nguồn cung các mặt hàng này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhìn chung, nguồn cung các mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, với giá cả bình ổn, mẫu mã đa dạng
Nhìn chung, nguồn cung các mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, với giá cả bình ổn, mẫu mã đa dạng

Xem thêm: "Thị trường bán lẻ sôi động về cuối năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Qua theo dõi thị trường cho thấy, trong thời gian tới giá cả hàng hoá thiết yếu trong nước sẽ không có biến động bất thường. Đồng thời, năm nay người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu, các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết nên nhu cầu dự báo không tăng đột biến. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường... Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%. Trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu... tăng, doanh nghiệp sẽ có báo cáo đến Sở Tài chính.

PV: Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, chất lượng, bình ổn giá trong thời gian tới?

Bà Lê Việt Nga: Để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc các địa phương sớm có kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thứ hai, chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).

Thứ tư, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Thứ năm, chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.

Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường để tạo tâm lý ổn định cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng.

Thứ bảy, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đặc biệt là các nhóm mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thứ tám, tăng cường kiểm tra kiểm soát cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, chợ trung tâm thương mại, kho cũng như giá bán để năm nguồn cung, giá bán kịp thời có biện pháp xử lý hanh vi găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.

Ngoài ra, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Khoa học và Công nghệ) cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hoá, niêm yết giá bán…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

Thy Thảo (ghi)