Hàng Việt trong lòng người xứ Lạng

Muốn biết nhịp đập của thị trường, phải ra chợ và vào siêu thị. Muốn biết xu hướng tiêu dùng của khách, phải hỏi nhà cung cấp. Đó đúng là câu chuyện của ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn). Ông Kiên cho biết: “90% khách hàng của chúng tôi tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tin dùng hàng Việt”.

Hàng Việt được tin dùng!

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn có mạng lưới đại lý đến tất cả 11 huyện, thành phố, đồng thời, còn tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng hóa đến tất cả các xã vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, do nhận thấy tâm lý ưa chuộng hàng Việt của người tiêu dùng nông thôn, Công ty chỉ nhập và phân phối các mặt hàng sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp với mức sống của người dân từng vùng. Bình quân mỗi tháng, Công ty phân phối hàng hóa trị giá khoảng 8 tỷ đồng về các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh. Tạm thống kê hiệu quả kinh doanh, nhất là qua các chuyến xe phân phối hàng hóa “lưu động” đến vùng sâu, vùng xa, Công ty Thiên Phú tiết lộ, “có đến 90% khách hàng của chúng tôi tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tin dùng hàng Việt”.

Câu chuyện của các nhà bán lẻ tại Lạng Sơn cũng cho thấy điều tương tự. Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến nhìn nhận, trong những năm gần đây, đại đa số người tiêu dùng ở Lạng Sơn khi mua sắm tại siêu thị đều đã lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước, từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến các đồ gia dụng. Đơn cử, doanh số bán hàng của siêu thị bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng, trong đó có đến hơn 80% doanh số đến từ việc tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Chính vì vậy để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu khách hàng, các siêu thị đã chú trọng nhập và phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt, trong đó ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.

lang son hang viet nam
Lạng Sơn tưng bừng khai trương điểm bán hàng Việt

Không chỉ tại thành phố, giờ đây tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng ở nông thôn cũng đã có sự thay đổi, từ ưu tiên sang ưa chuộng và tự hào khi dùng hàng Việt, điều này được nhận thấy qua sự đánh giá của các đơn vị thường xuyên phân phối hàng hóa về các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Ngành Công Thương Lạng Sơn cho biết, hiện nay, trên 80% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều có tâm lý lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm. Còn lại một bộ phận có mức sống và thu nhập cao thì thường có thói quen tiêu dùng hàng thương hiệu “ngoại”, tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng này giờ đều có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam nên cũng nằm trong nhóm hàng sản xuất trong nước!

Điều này đã cho thấy thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) ở xứ Lạng, bởi nó không chỉ làm thay đổi tâm lý tiêu dùng hàng Việt của người dân mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn – ông Liễu Anh Minh cho biết: "Sau rất nhiều chuyển đổi trong nhận thức, trong chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã hướng mục tiêu chiến lược vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm, tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng".

sieu thi lang son
Mua hàng Việt - tâm tình của người xứ Lạng

Thực hiện Kế hoạch 166, trong quý II/2022, ban chỉ đạo Cuộc vận động 11/11 huyện, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chỉ thị 03; đồng thời phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị; hướng dẫn MTTQ các xã, phường, thị trấn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Đồng hành, hưởng ứng và lan tỏa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ những ngày đầu, Lạng Sơn luôn là một địa phương có nhiều nỗ lực đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng Việt.

Tính từ tháng 3/2022 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 986 cuộc cho hơn 78.780 lượt người; phối hợp tổ chức 4 hội nghị tập huấn tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở cho hơn 360 lượt cán bộ mặt trận, trưởng ban công tác mặt trận và người uy tín ở khu dân cư gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Ủy ban MTTQ các huyện trên địa bàn đã đưa nội dung Cuộc vận động thành chuyên đề phục vụ sinh hoạt chi bộ, các cuộc hội thảo…; phối hợp tuyên truyền sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

na chi lang lang son
Na Chi Lăng - một niềm tự hào của hoa quả Việt Nam

Bên cạnh tổ chức các hội chợ thương mại, trung tâm Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tham mưu phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia nhằm kích cầu thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường nông thôn. Đồng thời, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các mặt hàng Việt phong phú về chủng loại, có chất lượng, giá cả hợp lý.

Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm ưu tiên mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác là hàng Việt Nam; ý thức của người dân về sử dụng hàng Việt cũng đã được nâng cao, đại đa số người dân đã ưu tiên và tự hào tiêu dùng hàng Việt.

Minh Thụy