Hậu Giang: sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Đã từ lâu, người dân tỉnh Hậu Giang đã quen thuộc và tình nguyện tham gia vào các hoạt động “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Tự hào hàng Việt tôi bán hàng Việt” hay là Phiên chợ hàng Việt…

Đây là các hoạt động điển hình trong chuỗi hoạt động thiết thực được triển khai từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” của tỉnh Hậu Giang.

Thông qua những hoạt động này, người dân đã coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân

Mới đây, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, với quy mô hơn 100 gian hàng, trong đó có 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm đều là hàng sản xuất trong nước với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, tại phiên chợ, người tiêu dùng khu vực nông thôn còn được giới thiệu, tư vấn và cung cấp thông tin về sản phẩm chính hiệu do các nhà sản xuất trực tiếp cung ứng. Đây là phiên chợ đầu tiên trong chuỗi 3 phiên chợ trong năm 2023 của tỉnh.

hàng Việt
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn

Theo BTC, Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” không chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng, mà quan trọng hơn là từng bước chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Thông qua phiên chợ sẽ mang đến nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp và bà con nông dân có dịp gặp gỡ, giao lưu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông qua đó góp phần xây dựng một nền nông nghiệp - nông thôn vững mạnh theo hướng bền vững, ổn định lâu dài.

Điểm bán hàng Việt
Điểm bán hàng Việt tại huyện Long Mỹ - Hậu Giang

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Từ khi triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn của toàn xã hội. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình và xác định cuộc vận động là cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuộc vận động đã hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội địa, xóa bỏ dần tâm lý “sính” hàng ngoại. Qua phiên chợ lần này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nông thôn, giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt của người dân, mà còn giúp người tiêu dùng lựa chọn và ngày càng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng. Qua mỗi phiên chợ đã từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu, hàng trong nước của người dân; đồng thời củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường nông thôn, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa.

hàng Việt
Điểm bán hàng Việt

Nhiều điểm sáng trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn xây dựng và tổ chức nhân rộng các điểm bán hàng Việt, với tên gọi “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Đến nay đã có 87 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ và tin tưởng về chất lượng, giá cả, tính cạnh tranh của hàng hóa Việt. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức nhân rộng các mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”; kịp thời biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

hàng Việt
Người dân tham gia mô hình Tự hào hàng Việt - Sử dụng hàng Việt

Huyện Phụng Hiệp là điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam của tỉnh Hậu Giang. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng 15 mô hình “Tuyên truyền khu dân cư ưu tiên sử dụng hàng Việt”, 2 mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền sử dụng hàng Việt” và 4 mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt”. Mặt trận huyện còn phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức 3 cuộc hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Cây Dương, thị trấn Búng Tàu, có hơn 2.500 lượt người dân tham quan mua sắm.

Hiện 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp ra mắt mô hình “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt”; tích cực nhân rộng mô hình “Khu dân cư tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt” góp phần nâng cao nhận thức để các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra.

Thành phố Ngã Bảy cũng có nhiều điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Mặt trận thành phố đã phối hợp vận động các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn giá và tổ chức 2 đợt hội chợ “Người Việt dùng hàng Việt” tại phường Ngã Bảy với hơn 9.000 lượt người dân tham quan mua sắm, góp phần quảng bá hàng Việt đến với người dân.

Thành phố cũng tiếp tục duy trì và nhân rộng một số mô hình có hiệu quả như: “Khu dân cư bán hàng nông sản do mình làm ra tại hộ gia đình” ở xã Đại Thành; mô hình “Điểm cung ứng hàng Việt” tại chợ Hiệp Thành; mô hình “Sản xuất 3 trong 1 tại cơ sở tàu hủ Kim Hoa” ở phường Hiệp Lợi; mô hình “Sản xuất hủ tiếu đạt tiêu chuẩn OCOP” ở phường Lái Hiếu…

hàng Việt
Thành phố Vị Thanh tuyên truyền cho người dân sử dụng hàng Việt

Thành phố Vị Thanh cũng là đơn vị tích cực trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng năm, thành phố duy trì tổ chức 2-3 chuyến hàng Việt về nông thôn; tổ chức được 9 mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”; 100% xã, phường thực hiện mô hình “Tự hào hàng Việt, Tôi bán hàng Việt”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức để các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và doanh nghiệp thông qua các hoạt động cụ thể với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhờ đó, đã tác động tích cực đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, sức mua hàng Việt tăng hơn so với trước đây. Phần lớn người dân đã xem việc sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

 

Nguyên Vỵ